Mục lục
Vạn Phúc, một “làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng, cũng là một địa điểm tham quan lý thú để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa. Trong bài viết này, Khánh xin chia sẻ kinh nghiệm khám phá làng lụa Vạn Phúc.
Làng lụa Vạn Phúc ra đời từ bao giờ?
Nghề dệt lụa ở Việt Nam có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng lụa Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc-Hà Đông có mặt tại hội chợ Marseille, được nhiều thương nhân người Pháp đánh giá là một dòng lụa tinh xảo bậc nhất Đông Dương. Năm 1953, lụa Vạn Phúc được xuất khẩu sang Đông Âu. Hiện nay, đây là mặt hàng ưa chuộng của nhiều nước trên Thế giới.
Có nhiều giả thuyết về sự truyền nghề dệt lụa tại Vạn Phúc, nhưng không ai có thể phủ nhận độ tinh xảo của lụa, và lịch sử hình thành lâu đời của ngôi làng rực rỡ vẻ đẹp truyền thống này.
Sản phẩm tuyệt hảo từ làng lụa Vạn Phúc
Ngôi làng cổ này có nhiều mặt hàng như: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi,… Loại lụa nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân. Đây là loại lụa tinh xảo, hoa văn nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa văn chìm phải soi đèn hoặc chiếu nắng mặt trời mới thấy được. Hoa văn lụa Vân được lựa chọn tinh tế, mềm mại, ưa chuộng nhất là mẫu Vân quế hồng điệp, Vân mai thọ, Vân lưỡng long song hạc,…
Chất lượng lụa Vạn Phúc nức tiếng mềm mịn, không nhăn, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thời trang của du khách, làng Vạn Phúc đưa ra nhiều dòng sản phẩm mới, hoa văn bắt mắt, vừa mang tính hiện đại, lại không phai nhòa nét truyền thống vốn có.
Những địa điểm thú vị tại làng lụa Vạn Phúc
Cổng làng cổ kính, trang nghiêm
Khi đến với Vạn Phúc, bạn bất ngờ trước vẻ đẹp cổ kính của cổng làng. Không phải là những mái ngói ngả màu thời gian, hay những bức tường vàng bám rêu xanh, cổng làng Vạn Phúc xây dựng bằng gạch đỏ, mái ngói gạch cong, trang trí nhiều văn hoa cổ xưa. Trước cổng treo câu đối và đèn lồng đỏ mang lại cảm giác ấm áp, may mắn cho du khách tới đây.
Đường làng rực rỡ màu sắc
Sau cánh cổng làng cổ kính ấy, là một con đường nhỏ rực rỡ màu sắc của hàng ngàn chiếc ô treo lên trên. Sự độc đáo này cũng thu hút rất nhiều du khách đến đây chụp ảnh. Ô được treo dài khoảng 100m, đủ để bạn tìm những góc chụp đẹp nhất.
Chợ lụa Vạn Phúc
Hiện nay, làng Vạn Phúc vẫn đẩy mạnh công tác sản xuất lụa chất lượng. Đến tham quan làng lụa Vạn Phúc, bạn có thể ghé những gian hàng bán lụa này để tham quan và mua cho những “thứ vải quý tộc xưa”. Các gian hàng lụa hiện nay còn bày bán những mặt hàng may sẵn, chủ yếu là áo dài truyền thống, áo bà ba,…
Màu sắc sặc sỡ của vải, những những đường nét hoa văn tinh tế ấy, chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Cầu Vạn Phúc
Cầu Vạn Phúc còn được gọi với cái tên là cầu Cong Vạn Phúc, vì hình dáng cong cong, xây bằng gạch đỏ, hai bên là thanh chắn gỗ, mái gạch xưa, cột gỗ treo đèn lồng lụa màu sắc. Đây là một trong những địa điểm chụp ảnh được nhiều bạn trẻ yêu thích, bởi nét cổ xưa mộc mạc.
Chùa Vạn Phúc
Một ngôi chùa cổ với ba cửa vòm mở về phía Đông Nam, trên có gác chuông, mái lợp ngói, bờ chảy đắp hình rồng phương uy nghiêm. Đây là ngôi chùa linh thiêng, với kiến trúc giản dị, mang cảm giác ấm áp, gần gũi. Bên trong có nhà Tổ, nhà Mẫu cùng các dãy nhà khách và nhà tầng, phía ngoài có tường hoa bao quanh, vườn tháp mộ.
Trung tâm bảo tồn và phát triển Vạn Phúc
Để tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử phát triển và cách thức làm lụa Vạn phúc, bạn có thể đến Trung tâm bảo tồn và phát triển Vạn phúc. Nơi đây bạn sẽ được tham quan những máy dệt từ hiện đại đến cổ xưa, và thưởng thức nhiều tác phẩm lụa đặc sắc.
Đình làng Vạn Phúc
Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng làng. Với kiến trúc mái ngói đỏ tươi, không quá nhiều hoa văn rồng phượng trang trí, đình làng là một trong những nơi quan trọng của người dân trong văn hóa thờ cúng, tổ chức các lễ hội quan trọng. Nếu có dịp, bạn có thể ghé qua Đình làng Vạn Phúc để tham quan và thắp nén hương tỏ lòng thành kính.
Lễ hội ở làng lụa Vạn Phúc
Hội làng nhộn nhịp nhất vào khoảng mùng 8/11 đến 17/11 âm lịch hàng năm. Sẽ có ba phần chính bào gồm: phần lễ, phần hội và phần quảng bá sản phẩm. Để trải nghiệm lễ hội bạn có thể lựa chọn khoảng thời gian này để đến tham quan làng lụa Vạn Phúc. Lễ hội đẹp nhất khi về đêm, những chiếc đèn lồng sáng lên, cả con phố gấm lụa rực sáng. Lễ hội còn giới thiệu cách dệt lụa, cũng như nhiều mặt hàng cao cấp nhất của làng quảng bá với du khách.
Địa điểm và giá vé tham quan làng lụa Vạn Phúc
Địa điểm: phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội 10km
Giá vé gửi xe 10.000đ, bạn có thể vào tham quan và mua gấm lụa tại đây.
Kinh nghiệm tham quan làng lụa Vạn Phúc
Đến với làng lụa Vạn Phúc, bạn có thể thoải mái trải nghiệm, chụp ảnh. Trong làng đã có đủ quầy hàng ăn uống, cho thuê trang phục. Nếu bạn muốn mua lụa tại đây, cần hỏi trước giá và có thể tham khảo một vài quầy hàng rồi mới đưa ra lựa chọn về giá cả và chất lượng. Người bán hàng tại đây khá thoải mái cho du khách tham quan và xem các mặt hàng lụa. Giá lụa khoảng 500.000đ đến 1 triệu đồng một m2 vải, tùy thuộc vào độ dày, văn hoa, họa tiết của vải. Một số sản phẩm cao cấp sẽ có giá thành cao hơn.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về lễ hội làng Vạn Phúc, nên đến tham quan vào khoảng mùng 8/11 đến 17/11 âm lịch hàng năm.
Tips chụp ảnh đẹp tại làng lụa Vạn Phúc
Những địa điểm đẹp nhất được nhiều du khách yêu thích và lựa chọn check-in là cổng làng Vạn Phúc, cầu Cong, con đường ô dù màu sắc… Đến với làng lụa Vạn Phúc, bên mái ngói đỏ, đèn lồng sặc sỡ, bạn có thể lựa chọn những trang phục cổ xưa, hoặc mang phong cách thanh lịch.
Trên đây là những chia sẻ cá nhân của Khánh về làng lụa Vạn Phúc, còn địa điểm thú vị nào nữa bạn muốn Khánh chia sẻ, hãy bình luận bên dưới để NDK giúp bạn nhé!
Nếu bạn thích nội dung này, hãy like hoặc chia sẻ để bài viết tới nhiều người đọc hơn.
Bạn có thể để lại bình luận nếu có thắc mắc hoặc muốn mình viết thêm về địa điểm nào.
Để không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào, hãy bấm nút đồng ý khi hộp thoại hiện ra, hoặc điền vào form bên dưới để tôi có thể gửi email cho bạn mỗi khi xuất bản bài viết mới.
Bài viết cùng chủ đề:
-
Tham quan 10 bảo tàng độc đáo nhất Hà Nội
-
Tham quan Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm)- Biểu tượng của Hà Nội
-
Khám phá làng gốm Bát Tràng: làng nghề truyền thống lâu đời tại Việt Nam
-
Khám phá Văn Miếu Quốc Tử Giám: Di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
-
Khám phá Hoàng thành Thăng Long – di sản nghìn năm văn hiến