Mục lục
Hồ Gươm là một biểu tượng đẹp của thủ đô Hà Nội, nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử và nét đẹp văn hóa. Đây cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch. Trong bài viết này, Khánh sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm khi tham quan du lịch nơi đây.
Lịch sử và truyền thuyết về hồ Gươm
Hồ Gươm hay còn biết đến với tên gọi hồ Hoàn Kiếm, là dấu tích của sông Nhị Hà xưa. Dân gian truyền tai nhau rằng, nơi đây gắn liền với câu chuyện lịch sử liên quan đến vua Lê Lợi. Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, vua Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ, đang dạo chơi trên hồ, bỗng thấy con rùa lớn xuất hiện, đòi lại gươm báu. Ngài rút gươm trả lại, rùa thần ngậm gươm lặn sâu xuống mặt hồ. Từ đó, hồ có tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.
Trước đó, nơi đây có tên là hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, từ khi câu chuyện thần kỳ giữa vua Lê Thái Tổ và rùa thần, nên có tên là hồ Gươm, hồ Hoàn Kiếm. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng đây là di tích quốc gia đặc biệt.
Vị trí địa lý của hồ Gươm
Hồ Gươm có diện tích 115.511m². Phía Bắc giáp đường Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Bạc; phía Đông giáp đường Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ; phía Nam giáp phố Hàng Khay, phường Tràng Tiền; phía Tây giáp phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống. Xung quanh thoáng mát, quang đãng bởi những hàng cây xanh cổ thụ.
Hồ Gươm được coi là trái tim của Hà Nội, bởi lẽ nó tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố, cũng là nơi kết nối những khu phố cổ nổi tiếng như: Tràng Thi, Tràng Tiền, Hàng Bài, Bà Triệu,… và các công trình kiến trúc cổ kính như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và tháp Rùa. Cảnh quan, không gian thoáng đãng và trong lành, thu hút người dân và du khách đến thư giãn, dạo bộ và chụp ảnh.
Địa chỉ: P. Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Chơi gì tại hồ Gươm?
Tham quan Tháp Rùa
Theo như Khánh tìm hiểu, rùa tại hồ Gươm có tên gọi khoa học là Rafetus Leloii hay Rafetus Vietnamensis, thuộc họ Ba Ba, một dòng rùa nước kích thước lớn. Ở đây từng có 4 cá thể nhưng hiện tại đã không còn nữa. Cũng có thông tin cho rằng vẫn còn 5 cá thể trong hồ, nhưng điều này chưa được chứng thực.
Tháp Rùa xây dựng vào năm 1884-1886, trên một gò đất giữa mặt hồ. Cấu trúc tháp có hình chữ nhật với ba tầng, các tầng nhỏ dần từ dưới lên trên. Hai mặt Đông, Tây có 3 cửa cuốn. Phía Nam và Bắc có 2 cửa cuốn đầu nhọn. Trên đỉnh tầng 1 và 2 có lan can bao quanh, trên đỉnh tháp là ngôi sao năm cánh.
Tham quan đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc
“ Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già rễ lá xum xuê,…” là những câu văn rất đỗi thân thuộc khi nhắc đến đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, con cầu nhỏ cong cong màu son, dẫn từ bờ hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.
Ngôi đền cổ được xây dựng vào năm 1841 và được tu sửa bởi nhà nho Nguyễn Văn Siêu vào năm 1865. Nơi đây thờ thần Văn Xương Đế Quân, vị thần quản phúc lộc cho sĩ nhân và thờ Hưng Đạo Vương, người có công lớn chống quân Nguyên.
Khánh vô cùng ấn tượng với kiến trúc độc đáo của ngôi đền. Sự kết hợp hài hòa cả ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Đến tham quan nơi đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc mang đậm nét lịch sử như Tháp Bút, Đắc Nguyệt Lâu, Đài Nghiên, đền thờ, Trấn Ba Đình.
Nhà hát múa rối nước Thăng Long
Một trong những nhà hát múa rối còn mở cửa phục vụ du khách chính là Nhà hát múa rối nước Thăng Long, nơi đây mở cửa tất cả các ngày trong tuần với giá vé dao động khoảng 60.000-100.000đ. Múa rối là một trong những nét đẹp truyền thống của Việt Nam, du khách có thể đến đây tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những màn trình diễn độc đáo này.
Phố đi bộ Hồ Gươm
Đây là phố đi bộ đông đúc và thú vị nhất thủ đô, nếu du khách có dịp đến thăm quan Hà Nội, nhất định nên thử vui chơi tại đây. Phố sẽ mở từ 19h thứ sáu đến 24h ngày chủ nhật mỗi tuần. Ở đây thường xuyên có sự kiện âm nhạc hấp dẫn, thu hút rất nhiều người dân bản địa và du khách đến xem.
Phố đi bộ bao quanh bờ hồ Gươm, thường có nhiều hoạt động thú vị như nhảy, hát, đánh các loại nhạc cụ, bán hàng lưu niệm, bán đồ ăn truyền thống, vẽ tranh hay thậm chí là xem tử vi,… Bất cứ góc nhỏ nào tại nơi đây đều thu vị. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống như đá cầu, nhảy dây hay chơi ô ăn quan,…
Ngoài các địa điểm kể trên, Khánh xin chia sẻ cho mọi người một vài điểm đến ngay gần hồ Gươm như vườn hoa Lý Thái Tổ, các con phố cổ, nhà thờ lớn Hà Nội,… Bạn có thể tham khảo kết hợp vui chơi ở những nơi này.
Phương tiện di chuyển đến hồ Gươm?
Nếu dùng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, Khánh khuyên bạn nên để ý các biển báo, vì các con đường phố cổ khá nhỏ, nhiều đường một chiều, cấm rẽ. Còn nếu bạn lựa chọn phương tiện công cộng thì có tham khảo các hãng xe công nghệ hoặc di chuyển bằng xe bus, khá thuận lợi.
Tips chụp ảnh đẹp tại hồ Gươm
Đến với hồ Gươm, khung cảnh được yêu thích nhất vẫn là đứng cạnh bờ hồ, nhìn ra Tháp Rùa. Bạn có thể ôm một bó hoa tươi rạng rỡ căn góc chụp xinh đẹp, tạo dáng cùng Tháp Rùa phía xa, cùng mặt hồ xanh biếc. Ngoài ra, quanh bờ hồ trồng rất nhiều loại hoa và có ghế công cộng có thể thoải mái tạo dáng check-in.
Thú vị nhất chính là chụp ảnh ban đêm vào cuối tuần khi tham gia phố đi bộ hồ Gươm. Ánh đèn lung linh chiếu xuống mặt hồ, cầu Thê Húc sáng đèn đỏ rực, cùng sự vui nhộn dòng người tấp nập, có vô vàn khung ảnh đáng giá.
Trên đây là những chia sẻ cá nhân của Khánh về Hồ Gươm, còn địa điểm thú vị nào nữa bạn muốn Khánh chia sẻ, hãy bình luận bên dưới để NDK giúp bạn nhé!
Nếu bạn thích nội dung này, hãy like hoặc chia sẻ để bài viết tới nhiều người đọc hơn.
Bạn có thể để lại bình luận nếu có thắc mắc hoặc muốn mình viết thêm về địa điểm nào.
Để không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào, hãy bấm nút đồng ý khi hộp thoại hiện ra, hoặc điền vào form bên dưới để tôi có thể gửi email cho bạn mỗi khi xuất bản bài viết mới.