Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của Nguyenduykhanh.com, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nguyenduykhanh.com". (Ví dụ: Du lịch Hà Nội nguyenduykhanh.com). Tìm kiếm ngay
328 lượt xem

Khám phá Văn Miếu Quốc Tử Giám: Di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Mục lục

Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn là điểm đến du lịch thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Tọa lạc ngay giữa bốn con đường nhộn nhịp của thủ đô Hà Nội, nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn mang cho mình một nét trang nghiêm, cổ kính. Trong bài viết này, Khánh xin giới thiệu những nét độc đáo của Văn Miếu Quốc Tử Giám và chia sẻ kinh nghiệm tham quan di tích này.

 

Lịch sử hình thành Văn Miếu Quốc Tử Giám

 

Theo sử sách ghi chép, năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu, lập tượng thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối ( bốn học trò nổi tiếng của Khổng Tử gồm Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư,  Mạnh Tử) , vẽ tượng thập thất nhị hiền (72 người học trò giỏi của Đức Khổng Tử), bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình cho lập thêm Quốc Tử Giám.

 

Năm 1253, đời nhà Trần được đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời nhà Lê, năm 1483, đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Đến thời nhà Nguyễn thì khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.

 

Văn Miếu mang nét đặc trưng về giáo dục triều đại phong kiến xưa, coi đạo Nho là cốt cách đối nhân xử thế, phân bậc vua-tôi. Về sau, nơi đây được mở rộng thêm trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta, và dựng bia vinh danh những tiến sĩ đỗ đạt từ thời Lý đến thời Lê, trong đó có rất nhiều bậc anh hùng đã lưu danh sử sách.

 

Tổng quan kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

 

Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, trải qua hơn 1000 năm thăng trầm lịch sử, Văn Miếu dường như vẫn giữ y nguyên vẹn nét cổ kính, tôn nghiêm. Đôi nét tổng quan kiến trúc di tích này mà Khánh chia sẻ sau đây, hy vọng sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích.

 

Văn Miếu Quốc Tử Giám là công trình thể hiện rõ nét lối kiến trúc phương Đông ảnh hưởng bởi Nho giáo và Phật giáo. Chất liệu xây dựng chủ yếu là gỗ lim, gạch nung, ngói mũi hài,… từng đường nét hoa văn cũng được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ.

 

Kiến trúc Văn Miếu

 

Văn Miếu được xây dựng trên khu đất có chiều dài 300m, rộng 70m, xung quanh là tường gạch vồ. Trong Văn Miếu có Hồ Văn, Nghi Môn ngoại, Nghi Môn nội, Đại Trung môn, Khuê Văn các, hai dãy nhà bia tiến sĩ, Đại Thành môn, Đại Bái, Điện Đại Thành,…

 

Khi bước chân vào Văn Miếu, Khánh rất ấn tượng với hồ nước  xanh biếc dưới tán cây cổ thụ, qua tìm hiểu mới biết đây chính là Hồ Văn. Xưa kia, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình, là nơi diễn ra các buổi bình thơ, đối thơ của Nho sĩ. Nay phương đình đã mất, nhưng vẻ đẹp của Hồ Văn dường như vẫn còn nguyên.

 

Nghi Môn nội, Nghi Môn ngoại có nét kiến trúc điêu khắc rất độc đáo, mang đậm nét đặc trưng cho văn hóa phương Đông nói chung và cho nước ta nói riêng. Đỉnh trụ đặt hai tượng Nghê chầu, ngay cạnh đắp hình chim phượng, đuôi chụm vào nhau. Đường nét tinh xảo, thu hút vô cùng.

 

Khánh rất ấn tượng với lối kiến trúc của Khuê Văn Các, một lầu vuông gồm 2 tầng, 8 mái, lát gạch Bát Tràng, bên trên là kiến trúc gỗ. Khuê Văn Các có hai cửa nhỏ gọi là Bí Văn môn và Súc Văn môn. Gần Khuê Văn Các là khu Bia Tiến Sĩ,  ghi danh 1.307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ triều Lê (từ khoa thi 1442 đến thời Nguyễn). Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2011

Kiến trúc Quốc Tử Giám

 

Phía sau khu Văn Miếu, chính là Quốc Tử Giám. Nơi đây là chỗ đào tạo các bậc hiền tài, có giảng đường, khu nhà ở dành cho học sinh, kho chữa ván gỗ khắc in sách. Hay nơi đây được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của nước ta. Hai bên tòa Khải Thánh là tả, hữu vu, giữa là một sân rộng. 

 

Hiện nay, kiến trúc khu vực này gồm có Tả, Hữu vu xây chạy dọc hai bên sân gỗ, Nhà Thái học, gồm hai nếp nhà có kết cấu liên hoàn, nền lát gạch Bát Tràng. Bên dưới nhà Thái học trưng bày rất nhiều hiện vật cổ. Trên lầu là nơi thờ phụng các vị vua như Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Ngoài ra, trong khu văn miếu còn có thờ thổ địa và điện thờ Mẫu.

 

Địa chỉ và giá vé

Địa chỉ: số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội

 

Giờ mở cửa: 8:00-17:00 giờ hàng ngày

 

Giá vé: 70.000đ đối với người lớn; 35,000đ đối với học sinh, sinh viên Việt Nam; 35,000đ đối với người khuyết tật nặng, người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, có căn cước công dân);   Miễn phí đối với trẻ em dưới 16 tuổi ; Giá thuyết minh tự động, ngôn ngữ nước ngoài là 100.000đ

 

Chia sẻ kinh nghiệm khi đến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám

 

Bạn có thể lựa chọn phương tiện gì?

 

Trước hết, Khánh muốn chia sẻ về vấn đề đi lại. Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm giữa bốn con đường là Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Quốc Tử Giám và Tôn Đức Thắng nên bạn có thể sử dụng bất kỳ phương tiện gì thuận tiện nhất. Nếu bạn tự đi xe, xung quanh có nhiều đường một chiều nên hãy chú ý. 

 

Nếu bạn muốn di chuyển bằng xe công cộng như xe bus thì cũng khá dễ dàng và thuận lợi, quanh Văn Miếu luôn có những trạm dừng xe bus cho du khách. Giá vé xe bus hiện nay khoảng 8.000đ/lượt. Nếu chỗ bạn ở gần với ga tàu điện Cát Linh-Hà Đông, bạn hãy trải nghiệm di chuyển bằng phương tiện này, giá vé từ 8.000đ-15.000đ. Bạn nhớ xuống tại ga cuối Cát Linh, và đi bộ theo phố Cát Linh khoảng 1km là đến Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

 

Nên đi vào ngày nào trong tuần?

 

Văn Miếu Quốc Tử Giám mở tất cả các ngày trong tuần, nhưng nếu bạn không muốn đi quá đông người thì Khánh khuyên bạn nên đi những ngày trong tuần. Cuối tuần rất đông học sinh sinh viên đến tham quan, chụp hình, đặc biệt các dịp hè sẽ có nhiều trường tổ chức tham quan tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhưng nếu bạn thích không khí nhộn nhịp, ngắm nhìn những bạn học sinh trong tà áo dài hay cổ phục thướt tha thì hoàn toàn có thể lựa chọn cuối tuần để trở thành “những tay săn ảnh chuyên nghiệp”.

 

Làm sao để mua vé tham quan?

 

Khánh cũng muốn nhắc nhở các bạn về vấn đề mua vé. Bạn gửi xe ngay tại Văn Miếu, chỗ để xe rất rộng, đủ đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan. Sau đó, ngay phía cổng vào sẽ có trạm mua vé. Theo trải nghiệm riêng của Khánh, những ngày trong tuần sẽ dễ mua vé hơn, cuối tuần thường phải đứng xếp hàng khá lâu, tùy theo số lượng người đến tham quan. Với đối tượng học sinh, sinh viên muốn mua vé giá rẻ hãy nhớ mang theo thẻ học sinh, người lớn trên 60 tuổi mang theo căn cước công dân.

 

Nội quy tham quan của Văn Miếu Quốc Tử Giám

 

Văn Miếu Quốc Tử Giám là một nơi linh thiêng, do đó khi vào đây bạn không nên mặc những quần áo ngắn, áo hai dây, quần đùi,… theo quy định của UBND thành phố Hà Nội quy định. Ngoài ra, du khách không được hút thuốc lá trong khuôn viên tham quan. Những quy định khác khi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng sẽ được nhân viên soát vé nhắc nhở.

 

Chút lưu ý nhỏ Khánh muốn chia sẻ với bạn là không cần mang quá nhiều đồ đạc theo. Trong khuôn viên khu di tích đã có đầy đủ cây bán nước tự động, chỗ bán kem, nước giải khát, đồ ăn nhẹ, khu vệ sinh cũng rất sạch sẽ. Giá của sản phẩm cũng không quá khác biệt so với bên ngoài.

 

Tips chụp ảnh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Đây là một công trình cổ kính, nên rất phù hợp chụp với áo dài hoặc cổ phục. Các góc chụp có thêm gạch nung, ngói mũi hài, ghê trầu, chim phượng,… sẽ làm nổi bật nét cổ kính của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Di tích luôn được gìn giữ kỹ càng, từng chiếc đèn lồng nhỏ cũng tinh tế, do đó, bạn chỉ cần giơ máy đã có ngay ảnh đẹp. Một chút lưu ý, Khánh muốn nhắc bạn là khi tham quan điện thờ khi không được quay phim, chụp ảnh bạn nhé! Bước vào khu Văn Miếu, sẽ có nhiều chỗ linh thiêng, do nơi đây chuyên thờ cúng, nên bạn hãy lưu ý tìm chỗ thích hợp chụp ảnh. Còn tại Quốc Tử Giám, bạn có thể thoải mái chụp hình.

 

Trên đây là những chia sẻ cá nhân của Khánh về Văn Miếu Quốc Tử Giám, còn địa điểm thú vị nào nữa bạn muốn Khánh chia sẻ, hãy bình luận bên dưới để NDK giúp bạn nhé!

 

Nếu bạn thích nội dung này, hãy like hoặc chia sẻ để bài viết tới nhiều người đọc hơn.
Bạn có thể để lại bình luận nếu có thắc mắc hoặc muốn mình viết thêm về địa điểm nào.
Để không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào, hãy bấm nút đồng ý khi hộp thoại hiện ra, hoặc điền vào form bên dưới để tôi có thể gửi email cho bạn mỗi khi xuất bản bài viết mới.

Hãy viết đúng chính tả, ví dụ Nam Định
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x